Thủy hải sản

Vùng nuôi tôm hùm ô nhiễm nghiêm trọng

Ngày đăng: 2017-08-18 06:50:23


Tỉnh Phú Yên vừa trải qua đợt dịch bệnh làm chết hơn 1,6 triệu con tôm hùm, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, gần 700 hộ nuôi bỗng chốc trắng tay.

 

Ngày 16-8, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo "Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững".

Việc chọn Phú Yên để tổ chức hội thảo về nghề tôm hùm vì đây được xem là "thủ phủ" tôm hùm với gần 33.600 lồng nuôi, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 650 tấn, giá trị hơn 1.000 tỉ đồng/năm. Nơi đây cũng vừa trải qua đợt dịch bệnh ở thị xã Sông Cầu làm chết hơn 1,6 triệu con tôm hùm, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, gần 700 hộ nuôi bỗng chốc trắng tay.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, thừa nhận thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả. Nguyên nhân là do ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng người nuôi chưa cao.

 

Tôm hùm mang lại hơn 1.000 tỉ đồng/năm cho tỉnh Phú Yên

Một vấn đề khác được ông Phương đưa ra là do đặc thù nuôi lồng hở và hạn chế trong kỹ thuật nuôi (tự phát, mật độ nuôi dày, sử dụng thức ăn tự nhiên, con giống không được kiểm tra chất lượng…) nên lượng chất thải tích lũy trong môi trường nuôi ngày càng nhiều, gây ô nhiễm.

Một số bệnh xuât hiện nhiều trên tôm hùm như đỏ thân, đen mang… nhưng việc phòng và trị bệnh trên tôm của người dân còn nhiều hạn chế. "Thị trường tiêu thụ tôm hùm bấp bênh, chủ yếu xuất bán qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả không ổn định" - ông Phương đánh giá.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, một số tồn tại hiện nay đối với các vùng nuôi tôm hùm của địa phương là dù đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên toàn tỉnh nhưng hầu hết địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi nên khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước và quản lý. Thông tin về môi trường và dịch bệnh chưa kịp thời dẫn đến công tác chỉ đạo còn chậm…

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nghề nuôi tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước những thách thức về quy hoạch và quản lý do chưa theo kịp thực tiễn sản xuất, mật độ nuôi tôm ngày càng tăng. Một số điểm đang nuôi tôm nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch. "Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững thì phải có quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch này, không để xảy ra việc nuôi tự phát" - ông Khôi nhấn mạnh.

 

Ông Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Phú Yên, cho rằng hiện nghề nuôi tôm hùm phụ thuộc hoàn toàn vào giống và thức ăn tự nhiên. Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên và nhập khẩu nên khó kiểm soát chất lượng. Ông Sơn đề nghị các nhà khoa học sớm nghiên cứu để nhân giống thành công và sản xuất thức ăn công nghiệp, đưa ra các giải pháp hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm.

PGS-TS Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), cho rằng để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững thì cần chú trọng khâu giống, xây dựng vùng ương nuôi con giống nhằm dễ kiểm soát chất lượng.


Theo Hồng Ánh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :