Thủy hải sản

Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp phải làm theo chuỗi

Ngày đăng: 2016-11-26 07:13:22


Việc bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết được tốt nếu có những biện pháp mang tính đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng...

Các sản phẩm thủy sản, rau quả của Việt Nam và một số nước bị từ chối nhập khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… thời gian qua chiếm tỉ lệ khá cao.

Tại diễn đàn chính sách thương mại “An toàn vệ sinh thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” diễn ra ngày 25/11, bà Hoàng Mai Vân Anh, đại diện của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (Unido) đã đưa ra dẫn chứng cho vấn đề này.

Khảo sát của Unido cho thấy, tỉ lệ từ chối các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2002-2013 đứng đầu là các nước Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, tổng cộng chiếm tới 40%. Lý do bị từ chối liên quan đến dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh chiếm tới 26% các vụ bị từ chối hàng nhập khẩu,

Khoảng 30% các vụ từ chối nhập khẩu của Nhật Bản đối với sản phẩm thủy sản từ năm 2002-2013 là từ Việt Nam. Nguyên nhân vẫn là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và điều kiện/kiểm soát vệ sinh.

Tương tự như mặt hàng thủy sản, dù tỉ lệ bị giữ lại các sản phẩm rau quả có nguồn gốc từ Việt Nam tại các thị trường EU, Nhật Bản, Australia và Mỹ chỉ chiếm 1-3% nhưng những tổn thất về kinh tế là rất lớn.

Thực tế trên cũng được ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận, xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về quy định khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Do quy trình sản xuất Việt Nam còn thiếu sự gắn kết với thị trường, sự gắn kết, hợp tác theo quy trình sản xuất giữa doanh nghiệp-nông dân còn hạn chế… nên nhiều hàng hóa chất lượng không đồng đều, dư lượng kháng sinh, hóa chất còn cao, không đúng tiêu chuẩn.

“Đã có nhiều doanh nghiệp phải nhận lại hàng, thậm chí nhà nhập khẩu còn sang tận Việt Nam để cảnh báo cho các bộ, ngành rằng đang có dấu hiệu hàng hóa bị ngưng nhập khẩu cho đến khi Việt Nam giải quyết được vấn đề dư lượng kháng sinh, hóa chất… Mặt hàng tôm bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng thị trường nhập khẩu là một ví dụ”, ông Lang cho hay.

Mỗi doanh nghiệp chỉ cần chọn một phân khúc

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, mỗi thị trường khác nhau sẽ có tiêu chuẩn khác nhau. Do vậy, doanh nghiệp cần lập kế hoạch tổ chức, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi thay vì chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng.

“Mỗi doanh nghiệp có thể chọn một phân khúc trong công đoạn sản xuất như cung cấp nguyên liệu, chế biến, hay hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Từ mối liên kết đó, doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu vào các thị trường lớn. Còn nếu riêng rẽ từng doanh nghiệp làm đầy đủ các công đoạn thì sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu chứ chưa nói đến vấn đề vốn, công nghệ”, ông Hòa nhận định.

Vị này còn cho biết thêm, thống kê cho thấy, chỉ có 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có quy trình chế biến đáp ứng quy định của các thị trường lớn, còn lại hầu như doanh nghiệp chưa đáp ứng được.

Ông Đỗ Kim Lang cho rằng, việc bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết được tốt nếu có những biện pháp mang tính đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng... từ đó thực phẩm tiêu dùng nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam mới có thể có được vị thế vững chắc trên thị trường.

Đề xuất các giải pháp mang tính đồng bộ, ông Đặng Công Hiến, Ban chính sách phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải hoàn thiện khung pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với khu vực và thế giới; đồng thời đẩy mạnh và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và chính sách về an toàn thực phẩm đối với người quản lý, người sản xuất kinh doanh, nhất là chú trọng đến trách nhiệm đạo đức kinh doanh của người sản xuất thực phẩm đối với cộng đồng…

Ngoài ra, việc chủ động nắm bắt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu cũng như quy định về ghi nhãn mác sản phẩm thực phẩm, quy cách đóng gói cũng là một khâu mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.


Theo Phan Trang / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :